Vợ chồng anh Trần Vinh Nam và chị Lê Thị Luyên ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong cưới nhau đã hơn 5 năm và có một con gái 4 tuổi. Thời gian qua, anh Nam và chị Luyên thường xuyên được cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số ở địa phương tư vấn, tuyên truyền, vận động tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng các biện pháp tránh thai hiện đại, chăm sóc sức khỏe sinh sản và mô hình mỗi gia đình nên sinh từ 1-2 con.
Chị Luyên chia sẻ: “Từ thực tế ở thôn, xã có nhiều cặp vợ chồng con đông nên cuộc sống rất khó khăn, luôn xảy ra thiếu thốn tiền bạc, cãi vã, con học hành không đến nơi đến chốn... Đặc biệt, người phụ nữ trong gia đình rất thiệt thòi vì sinh con liên tục, bận chăm con không có thời gian nghỉ ngơi nên sức khỏe yếu, không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội...Do đó, sau khi lập gia đình, cùng với kiến thức được cung cấp trong những lần tham gia chiến dịch dân số ở xã, tôi bàn với chồng nên giữ khoảng cách sinh con để cả hai cùng có thời gian chăm sóc con cũng như bản thân tốt hơn, đầu tư làm ăn, có điều kiện cho con ăn học đầy đủ. So với sinh con nhiều thì việc sinh con ít có rất nhiều lợi ích. Thỉnh thoảng ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng tôi tạm gác lại việc nhà, việc kinh doanh để đưa con đi chơi, thăm nội, ngoại, giao lưu với bạn bè. Hiện nay, con gái đầu của vợ chồng tôi 4 tuổi, tôi chuẩn bị sinh con thứ 2. Trong thời gian tôi có thai, chúng tôi thường xuyên trò chuyện với con gái, làm công tác tư tưởng để cháu không bất ngờ hoặc thấy thiệt thòi khi bố mẹ có thêm em, do đó cháu rất vui vẻ, hồi hộp đón chờ em ra đời. Sau sinh cháu thứ 2, tôi sẽ thực hiện biện pháp tránh thai phù hợp”.
Thực tế cho thấy, sinh nhiều con để lại hậu quả nặng nề như: sức khỏe bà mẹ và trẻ em khó được cải thiện. Các tai biến sản khoa tăng lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người phụ nữ khi mang thai và sinh đẻ.
Gia đình đông con không có điều kiện chăm sóc đầy đủ, nguy cơ trẻ suy dinh dưỡng, thiếu máu. Tăng gánh nặng kinh tế và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tăng gánh nặng xã hội, các dịch vụ xã hội không đủ đáp ứng cho quy mô dân số ngày một tăng cao do sinh nhiều con. Vị thế người phu nữ không được cải thiện do gánh nặng con cái...
Vì thế, chính sách KHHGĐ của Nhà nước tập trung vận động mọi người tự nguyện thực hiện KHHGĐ để sinh ít con (mỗi gia đình có đủ 2 con), sinh muộn hơn (từ 22 tuổi) và sinh thưa hơn (con thứ hai cách con đầu lòng từ 3-5 năm).
Trưởng phòng Dân số. Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong Lê Thị Cảnh Hoa cho biết: “Sinh con ít có rất nhiều lợi ích mang lại cho các cặp vợ chồng trẻ. Đối với phụ nữ, giúp có điều kiện nâng cao sức khỏe, hiểu biết xã hội và thụ hưởng quyền bình đẳng như nam giới trong các vấn đề sự nghiệp, gia đình; tránh được các tai biến sản khoa trong mang thai và sinh đẻ như: sản giật, băng huyết, nhiễm trùng sản khoa...Đối với con trẻ, được chăm sóc đầy đủ hơn do chi phí gia đình chỉ tập trung chăm sóc cho hai con. Sức khỏe và tinh thần của trẻ được chăm sóc toàn diện sẽ tốt hơn cho tương lai sau này. Tình cảm mẹ con, cha con gắn bó hơn do có điều kiện quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Đối với gia đình, sinh con ít giúp giảm các chi phí do đông con, đau ốm; có điều kiện phát triển kinh tế gia đình; hạnh phúc gia đình được cải thiện góp phần xây dựng xã hội giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, sinh con ít còn mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và xã hội như: các vấn đề an ninh cộng đồng xã hội được cải thiện hơn do gia đình quan tâm chăm sóc nuôi dạy con tốt. Nguồn tài nguyên được bảo vệ hơn nhờ giảm đáng kể việc khai thác bừa bãi. Các dịch vụ an sinh xã hội có điều kiện đáp ứng tốt hơn cho một quy mô dân số ổn định”.
Sinh đúng, sinh đủ số con theo quy định để nuôi dạy con tốt và nâng cao chất lượng cuộc sống là suy nghĩ và trở thành hành động của nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay. Để thực hiện tốt việc giảm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con cũng như không nên kết hôn muộn, không sinh con muộn. Tiếp tục triển khai các hoạt động thuộc mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân và Đề án tăng cường tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên. Nội dung tuyên truyền, vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con. Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con thật tốt để duy trì mức sinh thay thế nhằm tận dụng thời cơ cơ cấu dân số vàng để phát triển KT-XH.
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 61
Tổng lượt truy cập: 57,241